Giải pháp Thiên An Môn cho Hồng Kông?
Minxin Pei
Phan Nguyên dịch
Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông dường như đang hướng đến một cao trào thảm khốc. Với việc chính quyền Trung Quốc hiện đang sử dụng các luận điệu gợi nhớ đến giai đoạn trước khi xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông – và thực sự là cả nền dân chủ của nó – có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Trong hơn hai tháng qua, Hồng Kông đã bị bao vây bởi các cuộc biểu tình. Bị kích động bởi một dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục, các cuộc biểu tình đã phát triển thành các lời kêu gọi bảo vệ – hoặc có lẽ chính xác hơn là khôi phục – nền dân chủ bán tự trị của vùng lãnh thổ này, bao gồm cả việc tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước (đặc biệt là lực lượng cảnh sát).
Khi tình trạng bất ổn kéo dài, sự kiên nhẫn của chính phủ Trung Quốc đang giảm dần – và những lời cảnh báo của đại lục ngày càng đáng lo ngại. Lực lượng đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Hồng Kông, theo lời của tư lệnh Chen Daoxiang, “quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông”.
Để làm rõ thông điệp này, một đoạn video tuyên truyền với hình ảnh các sĩ quan quân đội Trung Quốc đang chiến đấu đã được phát kèm cùng với tuyên bố này.
Yang Guang, người phát ngôn của Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của chính phủ Trung Quốc, đã nhắc lại quan điểm này, cảnh báo người biểu tình – những người mà ông ta gọi là “tội phạm” – không được “nhầm lẫn sự kiềm chế (của đại lục) với sự yếu đuối”. Sau đó ông ta nhắc lại “quyết tâm sắt đá” của chính phủ đối với việc “bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông”.
Giám đốc Văn phòng, Zhang Xiaoming, sau đó tiến thêm một bước, tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc “có đủ phương pháp và phương tiện đủ mạnh để dập tắt mọi hình thức động loạn có thể xảy ra”. Tuyên bố này được đưa ra hai tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lập luận rằng sự ổn định của Trung Quốc kể từ sau cuộc đàn áp Thiên An Môn chứng minh rằng chính phủ đã đưa ra một lựa chọn “đúng đắn”.
Những cảnh báo ngày càng mạnh mẽ nhắm vào người biểu tình Hồng Kông cho thấy không chỉ lập trường ngày càng cứng rắn mà còn cho thấy sự áp đảo ngày một lớn của các nhân vật trong chính phủ Trung Quốc ủng hộ việc áp đặt sự kiểm soát tuyệt đối lên lãnh thổ này. Điều này đã được phản ánh qua cách phản ứng của cảnh sát, khi họ bắn đạn cao su và dùng hơi cay với tần suất ngày càng tăng. Hàng trăm người đã bị bắt và 44 người đã bị buộc tội “bạo loạn”.
Tuy nhiên, không những không bị răn đe, người biểu tình đang thách thức chính phủ Trung Quốc với quyết tâm ngày càng tăng. Hồi tháng 7, họ đã phá hoại mặt tiền văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc tại trung tâm thành phố. Tuần trước, họ đã tiến hành một cuộc tổng đình công gần như làm tê liệt thành phố, một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất của Châu Á. Dù nghe có vẻ lạ, nhưng sự cực đoan hóa này lại đi kèm với sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho phong trào, với việc các thành viên của tầng lớp trung lưu – như luật sư và công chức – công khai tham gia biểu tình.
Khi các cảnh báo nghiêm khắc không có hiệu lực, các lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm nhận rằng cách tốt nhất – hoặc thậm chí là cách duy nhất – để khôi phục sự kiểm soát ở Hồng Kông là dùng vũ lực, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đợi đến sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 01/10 tới mới hành động. Nhưng, dù là bây giờ hay sau hai tháng nữa, một cuộc đàn áp kiểu Thiên An Môn không phải là câu trả lời cho tình hình hiện nay.
Trước tiên, lực lượng cảnh sát gồm 31.000 người của Hồng Kông không đủ để thực hiện một nhiệm vụ đàn áp như vậy. Không chỉ thiếu nhân lực; các sĩ quan có thể từ chối sử dụng vũ lực chết người. Rốt cuộc, có một sự khác biệt lớn giữa việc bắn đạn cao su vào đám đông với việc giết hại dân thường. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải triển khai lực lượng PLA đồn trú tại chỗ hoặc chuyển hàng chục ngàn lính bán quân sự (cảnh sát vũ trang nhân dân) từ đại lục sang.
Người dân Hồng Kông hầu như chắc chắn sẽ coi các lực lượng chính phủ Trung Quốc như những kẻ xâm lược và tiến hành kháng cự quyết liệt nhất có thể. Các cuộc đụng độ xảy ra – có khả năng dẫn tới số lượng thương vong dân sự cao – sẽ đánh dấu sự kết thúc chính thức của dàn xếp “một quốc gia, hai chế độ”, với việc chính phủ Trung Quốc buộc phải áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp và toàn diện lên chính quyền Hồng Kông.
Khi tính chính danh của chính quyền Hồng Kông bị phá hủy, thành phố sẽ ngay lập tức trở nên khó quản lý. Công chức sẽ lũ lượt bỏ việc, và người dân sẽ tiếp tục kháng cự. Hệ thống giao thông, liên lạc và hậu cần phức tạp của Hồng Kông sẽ trở thành những mục tiêu dễ dàng cho người dân địa phương đang phẫn nộ và quyết tâm tạo ra những gián đoạn lớn.
Sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, khả năng khôi phục quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ dựa trên sự hiện diện của hàng chục ngàn binh sĩ PLA, mà còn vào việc huy động các Đảng viên. Ở Hồng Kông, nơi Đảng Cộng sản chỉ có sự hiện diện hạn chế về mặt tổ chức (chính thức thì Đảng tuyên bố không có tổ chức đảng ở đây), điều này là không thể. Và bởi vì phần lớn cư dân Hong Kong làm việc cho khu vực tư nhân, Trung Quốc không thể kiểm soát họ dễ dàng như những người dân đại lục vốn phụ thuộc vào nhà nước để kiếm sống.
Hậu quả kinh tế của cách tiếp cận như vậy sẽ là rất thảm khốc. Một số nhà lãnh đạo Đảng có thể nghĩ rằng Hồng Kông, hiện chỉ chiếm 3% GDP của Trung Quốc, có thể không quan trọng về mặt kinh tế. Nhưng các dịch vụ hậu cần và pháp lý đẳng cấp thế giới và các thị trường tài chính tinh vi, vốn là kênh dẫn vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, có nghĩa là giá trị của Hồng Kông vượt xa con số GDP của nó.
Nếu quân đội Trung Quốc xông vào thành phố, một cuộc tháo chạy ngay lập tức của người nước ngoài và giới thượng lưu có hộ chiếu và thẻ xanh nước ngoài sẽ theo sau, và các doanh nghiệp phương Tây sẽ di chuyển hàng loạt đến các trung tâm thương mại châu Á khác. Nền kinh tế Hồng Kông – một cây cầu quan trọng nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới – gần như sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Khi không có lựa chọn tốt, các nhà lãnh đạo phải đưa ra lựa chọn ít tồi tệ nhất. Chính phủ Trung Quốc có thể không hề muốn nhượng bộ người biểu tình ở Hồng Kông, nhưng nếu xét hậu quả thảm khốc của một cuộc đàn áp quân sự, đó lại là điều họ phải làm.
P.N. dịch
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/08/14/giai-phap-thien-an-mon-hong-kong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét