NHÌN GIỚI TRẺ HỒNG KÔNG, CÓ NÊN TRÁCH GIỚI TRẺ VIỆT NAM?
Hồng Việt
Cuộc biểu tình tại Hong Kong chắc hẳn đang làm cho nhiều người Việt Nam cảm thấy ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ vì dân Hong Kong đã đoàn kết để phản đối chính sách “đảng cử, dân bầu” của chính quyền Trung Quốc dù rằng dân số Hong Kong chỉ có bảy triệu người trong khi đảng cộng sản Trung Quốc có tới bảy mươi triệu đảng viên. Nhưng cũng có nhiều người Việt cảm thấy mặc cảm vì Việt Nam dù có hơn chín mươi triệu người với đại đa số đều muốn có dân chủ trong khi đảng cộng sản Việt Nam chỉ có ba triệu đảng viên nhưng người dân lại không chịu hoặc không dám xuống đường biểu tình đòi dân chủ. Phải giải thích sao về chuyện này?
Câu trả lời được nhiều người sử dụng nhất là câu thành ngữ “Người dân nào thì chế độ đó” vì nó ngắn gọn và không cần phải giải thích thêm. Từ đó mà nhiều người trách giới trẻ Việt Nam không có ý thức đấu tranh dân chủ như giới trẻ Hong Kong. Nhưng thật ra câu thành ngữ “Người dân nào thì chế độ đó” không chỉ có một chiều. Chiều ngược lại là “Chế độ nào thì người dân đó”. Một ví dụ điển hình là nước Cao Ly. Nước này đã bị các cường quốc chia đôi thành hai quốc gia có hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau dẫn đến kết quả là cách suy nghĩ và hành động của người dân hai nước cũng khác. Một ví dụ khác chính là Hong Kong và Trung Quốc với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Hơn 100 năm trước người Anh đã đến Hong Kong và mang theo dân chủ. Khi trở về với Trung Quốc năm 1997 thì Hong Kong được hưởng một quy chế tự trị rất lớn nên vẫn giữ được hệ thống chính quyền, luật pháp, giáo dục, kinh tế... của mình.
Trong ba quyền tự do cơ bản làm nên một chế độ dân chủ thì Hong Kong có tới hai đó là quyền tự do kết hợp và tự do ngôn luận, trong đó quyền tự do kết hợp là quan trọng nhất. Họ chỉ thiếu quyền tự do ứng cử và bầu cử nên bây giờ họ đang biểu tình để đòi quyền đó. Hong Kong cũng có một nền tư pháp tương đối độc lập. Các đảng phái chính trị và xã hội dân sự ở đó rất phát triển. Nhờ đó mà họ có thể động viên quần chúng xuống đường một cách rầm rộ như vậy. Các tổ chức dân chủ ở Hong Kong đã phối hợp hành động với nhau rất bài bản. Đầu tiên họ tổ chức trưng cầu dân ý trên mạng để thăm dò mức độ quan tâm của người dân về quyền tự do bầu cử ở Hong Kong. Nhận thấy số người quan tâm rất lớn họ đã tiến thêm một bước bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý ngoài đời thực và thành công rực rỡ với gần 800,000 người bỏ phiếu ủng hộ. Khi chắc chắn rằng người Hong Kong đã sẵn sàng thì họ mới tổ chức biểu tình và chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, y tế, truyền thông... Cách làm của họ khác xa với cách của các tổ chức dân sự tại Việt Nam khi kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc. Những người trách giới trẻ Việt Nam tại sao không được như Joshua Wong có lẽ nên tự trách mình không được như cậu ta thì đúng hơn. Wong không đấu tranh theo lối cá nhân mà hoạt động trong phong trào Scholarism có khoảng 300 thành viên, trong một thành phố chỉ có bảy triệu dân và còn có nhiều tổ chức khác. Trong khi đó Việt Nam có hơn chín mươi triệu người trong nước và vài triệu người ở hải ngoại nhưng chưa có tổ chức dân chủ nào có số lượng thành viên bằng Scholarism. Lý do là những người đấu tranh cho dân chủ (nhân quyền) chưa có ý thức kết hợp. Chính nhờ được sống trong một chế độ tự do và được hưởng một nền giáo dục theo kiểu Anh nên giới trẻ Hong Kong có một trình độ hiểu biết cao và có văn hóa dân chủ. Giới trẻ Việt Nam thì không được may mắn như vậy khi phải làm nạn nhân của một nền giáo dục nhồi sọ từ lớp một cho đến đại học và nền văn hóa Khổng giáo tai hại. Mà đã là nạn nhân thì cần được hướng dẫn và giúp đỡ thay vì bị lên án.
Trường hợp Hong Kong một lần nữa chứng tỏ rằng muốn huy động quần chúng xuống đường biểu tình thì phải có các tổ chức dân chủ mạnh. Đó là lý do mà Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại rằng ông ta kiên quyết không để hình thành các tổ chức đối lập. Việc người dân lên mạng xem tin tức rồi tự ý thức được quyền lợi của mình và sau đó kéo nhau xuống đường biểu tình đòi dân chủ là chuyện rất khó xảy ra. Vì vậy, những người tỏ ý chê trách giới trẻ Việt Nam trước hết hãy làm gương cho giới trẻ bằng cách tham gia các tổ chức đấu tranh cho dân chủ thay vì ngồi than thở và đổ lỗi. Khi nhìn thấy các bậc cha anh đấu tranh cho dân chủ vì chính tương lai của bọn trẻ thì lớp trẻ sẽ ủng hộ. Lúc đó việc huy động giới trẻ xuống đường sẽ không khó lắm. Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài. Những con sóng dân chủ đã quay trở lại để đánh vào hai thành trì độc tài lớn nhất là Nga và Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam đang lo sợ. Chúng ta hãy nhanh chóng kết hợp với nhau vì ngày Việt Nam có dân chủ sẽ không còn xa nữa.
TAP HOP DAN CHU DA NGUYEN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét