Nhất thể hóa chủ tịch nước và ‘Huy Đức là người của ai’
Phạm Chí Dũng
Người Việt 7/10/2018
Nhất thể hóa, ông Nguyễn Phú Trọng vừa làm Tổng Bí Thư vừa "gánh" luôn Chủ Tịch Nước. (Hình: Getty Images)
Chưa đầy chục ngày sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang mà đã khiến lộ trống cái ghế chủ tịch nước như một cơ hội trời ban, một chiến dịch PR từ không quá che giấu đến lộ liễu và cả “dằn mặt” đã được phát pháo.
Chùm đạn pháo ngay trước thềm Hội Nghị Trung Ương 8 vào đầu Tháng Mười năm 2018 mà hứa hẹn có thể sẽ nổ tung một biến cố chính trị lớn.
Sau một tràng liên thanh của một số trí thức xã hội chủ nghĩa về “đã đến lúc cần hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư” cùng ý tứ mấp mé “ông Nguyễn Phú Trọng là người xứng đáng,” viên đạn pháo có sức công phá và sát thương mạnh nhất vẫn thuộc về Huy Đức – một blogger mang tính tín hiệu chính trị mà từ sau bài “Bộ Tứ” trước Đại Hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay đã được nhiều dư luận mặc định như một trong những “kênh đảng,” hoặc cụ thể hơn: “kênh Nguyễn Phú Trọng.”
‘Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người?’
Ngày 30 Tháng Chín năm 2018 và trùng với một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính Trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước với Nguyễn Phú Trọng có thể là ứng cử viên có thể duy nhất, Huy Đức đã đưa lên Facebook của blogger này bài “Nhất thể hóa,” với lời mào đầu:
“Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ ‘cấu thành hình thức’ này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hòa bán tổng thống.”
Gần 4 năm sau Đại Hội 12, có thể cho rằng đây là lần thứ hai Huy Đức tung ra một bài viết có trọng lượng với quan điểm vận động sự ủng hộ cho “người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam,” dù trong bài viết này không hề nhắc đến cái tên Tổng Bí Thư Trọng – người đã chiếm thế thượng phong sau khi tái cử tổng bí thư tại Đại Hội 12 đầu năm 2016, được tụng ca như “Người đốt lò vĩ đại” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” sau vụ chỉ đạo bắt Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, và trong thực tế đã mất sạch đối thủ chia sẻ trách nhiệm “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” sau cái chết của Trần Đại Quang chỉ ít ngày sau lễ quốc khánh 2 Tháng Chín năm 2018.
Bốn năm trước, trong bối cảnh cuộc chiến nội bộ tranh ghế tổng bí thư vẫn chưa ngã ngũ giữa hai đối thủ chính trị Nguyễn Phú Trọng và kẻ kia bị phe đảng đóng đinh quan niệm “bất cứ ai trừ Dũng,” bài viết “Bộ Tứ” của Huy Đức đã lần đầu tiên đưa ra những đánh giá mang tính đề cao dành cho Tổng Bí Thư Trọng, với cách viết tự tin đến mức chủ quan mà không còn quá ẩn dụ và ẩn kín như trước đó.
Nhưng đó cũng là lần đầu tiên một số dư luận có được một bằng chứng khá rõ rệt thông qua bài viết trên để nhận định “Huy Đức là người phe nào” hoặc cụ thể hơn “Huy Đức là người của ai,” bởi suốt một thời gian dài trước đó nhiều người vẫn ngờ ngợ về vị thế có vẻ mang hơi hướng “dân chủ nhân quyền” của tác giả “Bên Thắng Cuộc.”
Nhà báo tự do Huy Đức (Hình: Facebook Truong Huy San)
“Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến Pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua.” Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.” – vẫn Huy Đức viết trong bài “Nhất thể hóa.”
Thế nhưng ít ai quên được rằng vào năm 2013 khi Nguyễn Phú Trọng còn bất lực trước một “đồng chí X” không thể kỷ luật được, ông Trọng đã từng than vãn “không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một người mà khó kiểm soát” như cái cách gián tiếp tố cáo tham vọng chính trị của Nguyễn Tấn Dũng. Giờ đây, ông Trọng lại đang đi vào vết xe đổ của Nguyễn Tấn Dũng.
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về “ai sắp bị bắt” hay “ai sắp chết”… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm. Vào giữa năm 2017, chỉ một dòng status lấp lửng của cây bút quá thâm này về số phận đại gia Trần Bắc Hà đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam suýt rơi vào hoảng loạn và lao dốc khiến mất đi $2 tỷ vốn hóa.
Sau “Bộ Tứ,” Huy Đức còn viết khá nhiều bài chính luận cho đến nay. Nhưng càng viết, ông lại càng thể hiện mình mang tính “lề đảng” nhiều hơn hẳn mục tiêu dân chủ hóa mà ông vẫn nói đến bằng những từ ngữ trân trọng – như thể một tấm bình phong đẹp đẽ. Một số ý kiến đánh giá rằng có lẽ do thành công với tác phẩm “Bên thắng cuộc,” Huy Đức đã có chút ảo tưởng rằng ông có thể “hướng lái” dư luận, trong khi điều kiện cần để dư luận được chinh phục là sự thành tâm và khách quan trong phân tích và bình luận sự kiện chính trị, chứ không mang tư tưởng chỉ phục vụ cho đấu đá và thanh trừng phe phái.
Năm 2018. Một lần nữa, vào thời khắc có ý nghĩa như một sự kiện chính trị lớn của đảng cầm quyền chứ không phải của nhân dân và dân tộc, Huy Đức lại xuất hiện với bài PR lộ liễu cho ghế chủ tịch nước, không kém những ý tứ PR lộ diện cho ngai tổng bí thư trong bài “Bộ Tứ” vào năm 2015.
Huy Đức và Trần Đại Quang
Ngày 10 Tháng Tám, 2017, “cây bút tín hiệu” này phát ra một thông tin mang tính khẳng định trên Facebook của ông: “Đại Tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25 Tháng Bảy, 2017” trong bài viết có tựa đề “NGUYÊN THỦ QUỐC GIA & ĐỊNH CHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC.” đoạn kết trong bài viết của Huy Đức, hẳn phải là ý quan trọng nhất được diễn giải: đã đến lúc ông Trần Đại Quang cần bàn giao quyền lực của mình cho người khác.
Chính vào thời gian trên đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của hai cuộc điều tra quan trọng đối với Vũ “Nhôm” (Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ) và Út “Trọc” (Thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ) – cả hai nhân vật này đều được cho là dính dáng sâu đậm, nếu không muốn nói chính là nhóm lợi ích sân sau của Trần Đại Quang. Biểu đồ đi lên của Quang đã có thể bắt đầu xuống dốc từ Tháng Bảy năm 2017.
Khoảng thời gian trên cũng là lúc mà trong dư luận bắt đầu hiện ra lời đàm tiếu về tình trạng “không nhìn mặt nhau” giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng, về một hố phân cách lớn giữa Văn Phòng Chủ Tịch Nước và Văn Phòng Trung Ương Đảng, dù tình trạng như thế có thể đã xảy ra từ cuối năm 2016 khi Tổng Bí Thư Trọng bắt đầu “nhóm lò.”
Nhưng đến giờ này, Trần Đại Quang đã biến ra người thiên cổ, tạo nên một bất ngờ lớn vì theo nhiều dư luận trước đó, bất cứ kẻ nào cũng có thể chết, nhưng một viên tướng công an quá thâm niên, thủ đoạn và lọc lõi chính trường như Quang thì làm sao bị kết thúc như Nguyễn Bá Thanh.
Nhất thể hóa: nhân dân và đất nước được cái gì?
Cơ hội trời ban bất thần đến từ cái chết không thể lường trước của Trần Đại Quang. Dịp “ngàn năm có một” để hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư chính là vào lúc này.
Nhưng sau tất cả những màn diễn đen đỏ sặc máu trên sân khấu của giới diễn viên chỉ tranh quyền đoạt vị, nhân dân và đất nước được cái gì?
Làm thế nào có thể tin được, dù chỉ một là một chút, về “nền cộng hòa bán tổng thống” mà Huy Đức đã phác ra một cách đầy chủ ý mà sẽ khiến một số người dân một lần nữa tiếp tục nuôi hy vọng vào một cái gì đó mà từ quá lâu nay đã trở nên hão huyền, mị dân và lừa gạt?
Thể chế cộng hòa bán tổng thống có lẽ là giai đoạn quá độ để tiến tới nền cộng hòa tổng thống, tức một thể chế phải có cơ chế tam quyền phân lập và đa đảng, tức ít ra cũng phải dân chủ hơn khá nhiều so với chế độ độc đảng đang ngự trị ở Việt Nam. Nhưng thực tế từ sau Đại Hội 12 lại ngược hẳn với bức tranh “dân chủ” mà Huy Đức phác vẽ trong bài “Bộ Tứ” và những bài viết sau đó: Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định đàn áp tư tưởng đa nguyên và đa đảng, và vẫn bóp nghẹt các quyền tự do của người dân về biểu tình, lập hội, báo chí, ngôn luận…
Về sau này, người ta nhìn lại tinh thần “thoát Trung” của Nguyễn Phú Trọng mà Huy Đức nhận định và hy vọng trong bài “Bộ Tứ.” Nhiều người đã cho rằng nhận định này rất thiếu cơ sở thực tế. Và thực tế từ đó đến nay vẫn luôn là một Nguyễn Phú Trọng chưa có được bất kỳ biểu hiện rõ rệt nào về ý chí xa rời Bắc Kinh, nếu không muốn nói là ngược lại.
Vậy thì làm thế nào để có thể tin rằng Nguyễn Phú Trọng, sau khi đã được ngồi thêm vào cái ghế chủ tịch nước và trở nên “chính danh,” sẽ mở mang dân chủ và nhân quyền cho người dân và xã hội Việt Nam? Hay sẽ là một ông vua theo đúng nghĩa để đưa xã hội Việt Nam trở về thời phong kiến và có thể cả một thời kỳ Bắc thuộc mới?
Làm thế nào để có thể tin rằng vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, Nguyễn Phú Trọng tỉnh giấc và tự nhiên muốn “trở về làm người tử tế” (như cách sám hối không nước mắt của Nguyễn Tấn Dũng), hay hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư chỉ nhằm thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân về sĩ diện đối ngoại trong khi chẳng mang lại lợi ích gì cho dân và cho nước?
Sau nhiệm kỳ đầu hoàn toàn mờ nhạt và thất thế trước Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí Thư Trọng đã trầy trật qua hơn nửa nhiệm kỳ thứ hai với thành tích chống tham nhũng rất khiêm tốn nhưng lại phân biệt đối xử quá rõ giữa “củi nhà” và “củi rừng,” trong khi nạn cường hào ác bá từ trung ương đến các địa phương vẫn tiếp tục nổi lên như giặc giã, còn người dân Việt thì ngày càng trở nên thống khổ và khốn cùng, bị đè nén bởi vô số sắc thuế thu cùng diệt tận mà dân gian phải phẫn uất gầm lên: “Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy!”…
Phạm Chí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét