Những độc chất gì đang phát tán quanh Nhà máy Rạng Đông?
Thủy ngân, bột huỳnh quang... từ nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông phát tán sau vụ cháy khiến chính quyền tại đây đưa khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm nuôi trồng quanh nhà máy này.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Nguyên viện trưởng Viện khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho rằng, Hà Nội vốn bị ô nhiễm không khí nặng. Việc nhà máy bóng đèn Rạng Đông bị cháy vừa mới xảy ra sẽ góp phần làm tăng ô nhiễm.
Để sản xuất bóng đèn, người ta phải sử dụng bột quỳnh quang (hợp chất chủ yếu là phốtpho). Ngoài ra, người ta còn bơm vào đèn một ít hơi thủy ngân và khí trơ (neon, argon…) để làm tăng độ bền của điện cực và tạo ánh sáng màu.
Ngoài bóng đèn, Công ty Rạng Đông cũng sản xuất phích nước (bình thủy). Ruột phích nước không làm từ thủy ngân mà cấu tạo bởi hai bình thủy tinh lồng vào nhau có mạ bạc, được hút chân không để giữ nhiệt. Nhưng bên ngoài phích nước là nhựa, việc cháy nhựa sẽ sinh ra các chất độc như CO, COCI2, CH3CL… Các chất này cùng với thủy ngân, phốtpho, neon, argon… khi cháy sẽ phát tán ra môi trường.
"Không thể đo được mức độ phóng thích của các chất này ra môi trường là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh. Các hóa chất này một khi đốt cháy sẽ theo gió bay đi khắp nơi, có thể lan rộng với khoảng cách 20km quanh nhà máy", GS Bá cho hay.
Rất nhiều hóa chất độc hại từ nhà máy Rạng Đông phát tán ra môi trường sau vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Thương |
Mức độ ô nhiễm ở Hà Nội càng nghiêm trọng hơn sau vụ cháy Nhà máy Rạng Đông. Mới đây, vào ngày 26 và 27/8, một số nhà khoa học đã đo mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội và kết quả được xếp vào ngày ô nhiễm nhất Châu Á, hơn cả Bắc Kinh và Indonesia. Đây là vấn đề cần coi lại về quản lý cháy nổ gây ô nhiễm, bởi không gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại về tài sản của cải mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ô nhiễm không khí trong phòng còn có thể cải thiện được bằng cách dùng thiết bị hút chất độc, riêng ô nhiễm không khí ngoài trời rất khó kiểm soát vì khí độc đã bay lên cao, lẫn vào khói bụi, không khí.
“Để ngăn chặn ảnh hưởng của khí độc vào cơ thể, người dân chỉ có cách bịt khẩu trang, sử dụng khăn thấm nước để bịt mũi miệng khi đến vùng này, đeo kính, găng tay. Tuy nhiên chỉ cản bớt chất độc chứ không thể tránh hoàn toàn. Thậm chí ở vùng gần nhà máy thì cần phải đeo mặt nạ chống độc, phòng độc”, Tiến sĩ Lê Huy Bá khuyến cáo.
Nhà máy Rạng Đông bị cháy sẽ gây ô nhiễm nặng đến không khí do thủy ngân bị phát tán (ảnh internet) |
Về bản chất, thủy ngân là nguyên tố lỏng ít độc, nhưng khi đốt cháy thì hơi và các hợp chất, muối của nó rất độc. Chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa và đây là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.
Ngoài ra, Thủy ngân có xu hướng ôxy hóa, tạo ra các oxít thủy ngân, nhất khi bị làm nhiễu loạn thì thủy ngân sẽ tạo thành các hạt siêu nhỏ, làm tăng diện tích tích xúc bề mặt một cách khủng khiếp. Do đó nếu thực phẩm, rau quả được trồng tại vùng này cũng có nguy cơ bị thủy ngân bám vào. Bên cạnh đó, nếu thủy ngân bay hơi, luồn lách vào các nhà dân gần khu vực nhà máy. Khi ở nhiệt độ phòng, có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép, và có thể gây ngộ độc cho những người ở trong phòng kín.
Ở nước ngoài, một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử là thải các hợp chất thủy ngân vào vịnh Minamata, Nhật Bản. Tập đoàn Chisso, một nhà sản xuất phân hóa học và sau này là công ty hóa dầu, đã bị phát hiện là chịu trách nhiệm cho việc gây ô nhiễm vịnh này từ năm 1932 đến 1968. Người ta ước tính rằng trên 3.000 người đã có những khuyết tật nào đó hay có triệu chứng ngộ độc thủy ngân nặng nề hoặc đã chết vì ngộ độc nó, từ đó nó trở thành nổi tiếng với tên gọi thảm họa Minamata.
Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình – phường giáp ranh với phường Thanh Xuân, nơi trú đóng của Công ty Rạng Đông, quậnThanh Xuân, TP.Hà Nội vừa văn bản khuyến cáo người dân sống trên địa bàn phải rửa mắt, súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong 7-10 ngày tới. Không sử dụng thực phẩm, rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá tôm được nuôi, trồng trong vòng bán kính 1km, tính từ tâm đám cháy.
Các loại rau, trái cây người dân tự trồng trong vòng bán kính 500m cũng phải tiêu hủy. Nếu muốn trồng tiếp thì phải thay đất, trồng bằng dung dịch thủy canh. Tất cả người già, trẻ nhỏ, người bệnh nên sơ tán ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của vụ cháy. Các hộ dân phải thay và giặt toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi, phải súc rửa toàn bộ bể nước, cây cối, ban công, tường cửa bằng nước xà phòng đặc 2 - 3 lần, sau đó rửa lại bằng nước nhiều lần…
|
Thanh Hoa/ PHU NU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét