Sau ông Trọng số phận đảng cộng sản sẽ ra sao ?
Việt Hoàng
Ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện trở lại sau đúng một tháng "mất tích". Dù lời nói và thần sắc của ông có vẻ bình thường nhưng việc ông ốm là có thật khi buổi họp đầu tiên ông phải đeo đai giữ cho khỏi ngã và phải đeo máy trợ tim, đo tim… Nhiều người đón nhận sự trở lại này với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui là những người có suy nghĩ "còn đảng còn mình" và buồn là những quan chức lãnh đạo cấp cao, những người có thể trở thành củi để ông Trọng ném vào lò. Với đa số người dân Việt Nam thì ông Trọng hay ai thay ông thì cũng thế thôi, ách cai trị của đảng cộng sản không hề thay đổi.
Có một điều mà ai cũng có thể thấy đó là sự sống chết của ông Trọng vô cùng quan trọng đối với đảng cộng sản. Nếu ông Trọng có mệnh hệ gì thì nội bộ đảng cộng sản sẽ xáo trộn và đổ vỡ nghiêm trọng. Vì sao một ông già 75 tuổi lại quan trọng như thế với đảng cộng sản ? Có thực sự là ông Trọng giỏi đến mức không thể thay thế không ?
Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, việc đảng cộng sản chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân trị là bắt buộc và đây là chặng đường tất yếu trên con đường đào thải. Một điều thú vị mà chúng ta cần biết là đảng cộng sản luôn chống "chủ nghĩa cá nhân" và chống độc tài cá nhân trị, họ ủng hộ mô hình đảng trị, đề cao "ý kiến tập thể", ví dụ ý kiến Bộ chính trị. Nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản là chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy nhiên hệ tư tưởng này đã trở thành nhảm nhí và đã bị nhân loại vứt vào sọt rác. Khi một tổ chức chính trị hoặc một chính đảng đánh mất sự đồng thuận trên những nền tảng tư tưởng chung thì bắt buộc phải chọn giải pháp "độc tài cá nhân trị" để cá nhân đó lấy quyết định thay cho tập thể.
Sự tham nhũng của quan chức lãnh đạo đảng đã quá nghiêm trọng và lộ liễu nhưng ban lãnh đạo đảng cộng sản không thể lấy quyết định trừng phạt bất cứ ai vì gặp phải sự chống đối ngay trong nội bộ, không ai đồng thuận và đồng ý với ai vì vậy họ phải tập trung quyền lực cho một người duy nhất để người đó lấy quyết định thay cho họ. Ông Trọng trở thành "nhà độc tài" là vì vậy.
Ông Trọng là nhà độc tài đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của đảng cộng sản. Ông là một khuôn mặt mờ nhạt, hiền lành, ba phải, không có tài năng và tư chất của một nhà độc tài. Suốt quá trình làm việc của ông từ Tạp chí Cộng sản, đến Bí thư thành ủy Hà Nội rồi chủ tịch Quốc hội, ông không hề có một ý kiến gì rõ ràng và sâu sắc. Có lẽ vì thế mà dân Hà Nội đặt cho ông bí danh "Trọng Lú". Giải thích điều này cũng khá thú vị. Kẻ được chọn để trở thành nhà độc tài trong các chế độ cộng sản trong gia đoạn chuyển tiếp thường là người thiếu cá tính, trung dung, không quá bản lĩnh và hung bạo… Tóm lại là không có bản lĩnh của một nhà độc tài, tức là một nhà độc tài dở. Nếu chọn một kẻ hung bạo và bản lĩnh thì sẽ rất nguy hiểm cho chính mình và đồng đảng. Ông Trọng hội đủ các "tiêu chuẩn" đó nên được chọn. Số phận đảng cộng sản không thể khác khi cuối cùng lại đặt vào một người có biệt danh là "lú". Với tình trạng tư duy và sức khỏe như hiện nay ông Trọng khó có khả năng làm được điều gì tốt đẹp cho đảng cộng sản mà chỉ làm mọi việc rối tung hơn.
Sau ông Trọng, đảng cộng sản rất khó chọn được một nhà độc tài kế vị vì bộ máy sàng lọc của đảng đã loại bỏ hết những người có tư chất và khả năng. Không một khuôn mặt nào trong ban lãnh đạo hiện nay là sáng giá để thay thế ông Trọng mà không bị các phe nhóm trong nội bộ phản đối. Như chúng tôi đã nhiều lần phân tích, nếu tiền bạc và quyền lực có thể thay thế cho tư tưởng chính trị thì các băng đảng maphia đã lên cầm quyền từ lâu rồi.
Chiến dịch "đốt lò" nói lên điều gì ? Vì sao trước đây đảng cộng sản không làm được mà giờ ông Trọng làm được ? Như đã phân tích ở trên, đảng cộng sản đã mất đồng thuận trên những tư tưởng nền tảng. Họ không còn lấy được bất cứ quyết định chung nào dù là một việc cấp thiết như loại bỏ đi vài đảng viên tham nhũng quá đáng và lộ liễu để bảo vệ sự tồn vong của đảng. Chính vì lý do đó mà họ phải bầu lên một nhà độc tài như ông Trọng để lấy các quyết định cần thiết đó. Ông Trọng từng nói là phải hy sinh vài người để cứu muôn người, "muôn người" ở đây tức là đảng cộng sản chứ không phải dân tộc Việt Nam. Ông Trọng được đa số trong đảng miễn cưỡng ủng hộ chiến dịch "đốt lò" là vì thế.
Tuy nhiên ông Trọng và đảng cộng sản không ý thức được việc "đốt lò" của họ là nguy hiểm như thế nào. Chính ông Trọng từng nói "việc chống tham nhũng là rất khó vì ta chống ta" nhưng rồi vẫn phải làm, việc này giống như khi một bộ phận nào đó trong cơ thể đã bị hoại tử, phải cắt bỏ để bảo toàn mạng sống thì cũng phải làm dù muốn hay không. Thực tế, cơ thể của đảng cộng sản đã bị ung thư di căn giai đoạn cuối. Khi bộ não của nó, tức là hệ "tư tưởng chính trị" đã chết thì mọi hành động cứu chữa đều vô ích. Chống tham nhũng chỉ làm đảng cộng sản tan nát và phơi bày sự mục ruỗng trước con mắt người dân và đằng nào cũng không thể chống tham nhũng được vì nói như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc".
Đảng cộng sản đã đánh mất hết sự chính đáng và sự đồng thuận khi tồn tại và vận hành theo tư tưởng Mác-Lênin. Nhưng một chính đảng bắt buộc phải có "tư tưởng chính trị", điều này đảng cộng sản hiểu rất rõ và vì thế họ không thể nào từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin dù biết đó là nhảm nhí. Không có tư tưởng chính trị thì không một tổ chức chính trị nào có lý do để tồn tại. Đáng buồn là những người hoạt động dân chủ cho Việt Nam lại không hiểu điều này. Đừng quên ông Trọng là một con mọt sách, suốt ngày ngồi tụng kinh Mác-Lê.
Việc ông Trọng xuất hiện và phát biểu khai mạc trong hội nghị Trung ương 10 nói lên một điều là đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và hoang mang. Mấy câu hỏi mà ông Trọng nêu ra như thay đổi chính trị có phải là thay đổi chế độ hay không ? Có nên loại bỏ kinh tế quốc doanh hay không ? Việt Nam sẽ ra sao vào năm 2030, 2045 ?... nói lên sự bế tắc đó. Khi nêu ra những câu hỏi này ông Trọng chứng tỏ là đảng cộng sản không hề thảo luận về những câu hỏi mang tính nền tảng của chế độ. Tất nhiên là như vậy vì nếu thảo luận một cách rõ ràng và nghiêm túc thì chỉ có cách giải tán đảng cộng sản. Ông Trọng và đảng cộng sản biết vậy nên họ cố tình không thảo luận và xem đó là điều húy kỵ. Chính vì không đồng thuận với nhau trên những vấn đề nền tảng nên họ không thể nào đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể.
Số phận đảng cộng sản có lẽ sẽ kết thúc cùng với sự ra đi của ông Trọng. Điều đó đã an bài nhưng câu hỏi cấp bách cần đặt ra trong lúc này là phong trào dân chủ Việt Nam còn lại những ai và họ đang ở đâu ? Họ sẽ tham gia như thế nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ ? Đáng buồn là lực lượng đó không còn nhiều. Những người hoạt động nhân sĩ, phản biện hay chửi bới đảng cộng sản không nên tính đến vì sự đóng góp của họ không đáng kể.
Đấu tranh chính trị bắt buộc phải tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức vì sự đóng góp cho phong trào dân chủ phải dựa trên hai tiêu chí : Thứ nhất, đưa ra những ý kiến đúng và thứ hai, xây dựng được lực lượng cho phong trào dân chủ. Khả năng cao nhất và cần nhất ở mỗi người tranh đấu là khả năng làm việc có tổ chức (trong một tổ chức) và sau đó là học hỏi để có kiến thức thật sự về chính trị. Nếu không tham gia vào tổ chức thì không thể nào có được những khả năng và đức tính đó. Lãnh đạo chính trị cũng từ tổ chức mà ra chứ không thể từ trên trời rơi xuống. Chỉ có tổ chức mới nhận ra và đánh giá đúng khả năng và tư chất của mỗi người. Khả năng cao nhất của một dân tộc và cũng là của loài người đó là khả năng làm việc có tổ chức, có phân công, có ý kiến và sáng kiến.
Khi tham gia vào tổ chức, chia sẻ và đồng ý với nhau trên những giá trị nền tảng về tư tưởng chính trị thì mới có thể đồng thuận với nhau trong những vấn đề cụ thể. Người ta không thể (và không bao giờ) đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể nếu không đồng ý với nhau trên những vấn đề nền tảng. Bài viết "Bài học chính trị lớn từ nước Pháp" của ông Nguyễn Gia Kiểng và hiện tình chính trị nước Pháp là một ví dụ.
Thời gian qua phong trào dân chủ Việt Nam có vẻ như trầm xuống. Thay vì hoang mang lo lắng thì chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như là một hy vọng. Sau những ồn ào, những tiếng vang chỉ có tính khoa trương bề nổi thì phong trào dân chủ bắt buộc phải thay đổi để đi vào chiều sâu và có thực chất. Đã đến lúc người Việt cần bình tĩnh đánh giá lại chặng đường đã đi qua và chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới, một khúc rẽ mới. Phải dứt khoát nói với nhau rằng đấu tranh chính trị phải luôn là đấu tranh có tổ chức.
Những đảng viên có trí tuệ trong đảng cộng sản thừa hiểu rằng số phận của họ không thể nào gắn bó với đảng cộng sản được nữa vì đảng cộng sản không có tương lai. Họ bắt buộc phải lựa chọn một giải pháp khác, một tổ chức chính trị khác để có một tương lai khác cho chính họ và đất nước.
Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh quan trọng, hạn kỳ dân chủ có thể đến rất nhanh hơn là chúng ta tưởng. Nỗi lo lớn nhất hiện nay đó là phong trào dân chủ chưa kịp chuẩn bị để nhận lãnh trách nhiệm với lịch sử và dân tộc.
Việt Hoàng/ Thong Luan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét