VN: ĐCS đang gặp khó xử nào trong việc chống tham nhũng?
Chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam đang đối diện một thế lưỡng nan 'đối nghịch' trong việc chống tham nhũng, theo một ý kiến bình luận trong hội luận trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hôm 05/9/2019.
Đó là thế đối nghịch giữa chống tham nhũng và quan ngại thay đổi thể chế chính trị, xã hội theo hướng dân chủ hóa vốn hữu hiệu hơn cho công cuộc này, một blogger và là nhà báo tự do từ Hà Nội nói.
Cũng từ Hà Nội, một ý kiến khác cho rằng có thể chống tham nhũng thậm chí trong một quốc gia với thể chế độc tài, độc đoán, dù cách làm tốt hơn là tối thiểu cần phải có tự do báo chí và tư pháp độc lập.
Thế nhưng một luật sư nhân quyền cho rằng điều này là bất khả thi, bởi vì hai điều trên là trái với thể chế chính trị độc đảng cộng sản. Cách làm duy nhất mà lãnh đạo Việt Nam cần làm là phải cải cách triệt để đất nước theo hướng tự do, dân chủ, đa đảng thì mới có thể giải quyết thấu đáo vấn đề, ý kiến từ Đức nói.
"Tôi thấy một điều rất nan giải là đảng và nhà nước này đang luôn luôn bị xung đột và giằng xé giữa hai cái, cái tạm gọi là đối nghịch mà ông Trần Quốc Thuận nêu ra. Muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi lại thiết chế và xã hội để làm sao cho dân chủ hơn," nhà báo tự do, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói với Bàn tròn thứ Năm.
"Nhưng ngược lại họ vẫn cứ sợ là nếu thay đổi dân chủ hơn, dân chủ hóa và nới rộng ra chỉ cần một chút thôi, họ lại sợ là nới ra rồi lại phanh phui những điều, những cái tệ hại hơn ở trong hệ thống mà họ đang cố hoặc là giữ, hoặc là để cố từ từ giải quyết. Thứ hai nữa là nó động đến địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
"Đây là mâu thuẫn có thể nói là gần như họ không thể giải quyết được. Tôi cho là họ không giải quyết nổi, mà có lẽ là cần một vai trò cá nhân rất là quyết đoán, rất là giỏi thì mới làm được.
"Bây giờ cũng có rất nhiều người hy vọng vào ông Nguyễn Phú Trọng có làm được điều này không. Tôi nghĩ rằng lúc này là lúc nội xâm, ngoại xâm đang đều tấn công kinh khủng, tôi không có hy vọng nhiều lắm."
'Cần xem lại thể chế'
Ngay trước Bàn tròn thứ Năm, trả lời cùng ngày 05/9, câu hỏi của BBC liên quan vai trò cá nhân của người lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng nội bộ đảng và chính quyền, cũng như liệu công việc này có được tiếp tục hay không, tiếp tục ra sao trong trường hợp có thay đổi nhà lãnh đạo, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Việc chống tham nhũng ở nước nào cũng thế, nó cũng có vai trò cá nhân thúc đẩy chuyện này, chuyện kia tích cực. Nhưng rõ ràng nó cũng được dựng trong một cơ chế, thể chế như thế nào.
"Gần đây, người ta hay nói nhiều đến thể chế. Nhưng thể chế là gì? Thế chể chính là chế độ chính trị chứ gì? Còn cơ chế là bộ máy đảng và nhà nước chứ gì? Nhưng mà xây dựng bộ máy của đảng và nhà nước như thế nào mà nó để như vậy, thì phải chỉnh, xem xét lại, thì đó là chuyện rất là lớn.
"Cho nên bây giờ đã đến giờ đặt trên vai chuẩn bị cho Đại hội 13 và những vấn đề trọng đại. Phải coi lại tại sao một đảng và nhà nước mình (Việt Nam) nắm quyền, trước kia người ta bảo là do thực dân, đế quốc, do phong kiến, còn bây giờ toàn bộ là do đảng lãnh đạo, mà để đến giờ số hư thối như thế này, thế kia.
"Thì cần phải làm cho có một thể chế làm sao mà người dân người ta kiểm soát được; mà cái này cũng có nghị quyết của đảng rồi, kiểm soát được sự làm việc và phẩm chất của những người đó. Phải có một cơ chế như thế nào, thì đó là một đòi hỏi khá lớn," nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nêu quan điểm.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận trong Bàn tròn:
"Xét về vai trò như nhiều người nói bây giờ là vai trò cá nhân rất là quan trọng và người ta bảo ông Nguyễn Phú Trọng có vai trò 'đốt lò' chống tham nhũng rất là mạnh mẽ.
"Nhưng tôi lại phải nói là ông Trọng là một người có trách nhiệm rất lớn về những vụ tham nhũng như thế này. Bởi vì ông ấy đã là Ủy viên Bộ Chính trị rất lâu rồi, ông ấy hai nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, mà tất cả những vụ ấy đều xảy ra ở trong thời gian đó. Thế thì với tư cách là người cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, người quyền lực cao nhất của nước Việt Nam ở những thời gian ấy, thì ông không thể thoái thác được trách nhiệm của mình."
'Độc tài cũng chống được'
Nhà hoạt động xã hội dân sự này giải thích quan điểm của mình:
"Bởi vì hệ thống này sinh ra tham nhũng, cho nên tôi nghĩ hy vọng rằng hệ thống này sẽ thay đổi, sẽ chống được tham nhũng là một hy vọng hão huyền. Chỉ có thể chống được tham nhũng khi mà phải thay đổi về thể chế. Ở đây, tôi không nói về vấn đề dân chủ, để những người lãnh đạo của ĐCSVN nếu mà còn có sợ dân chủ, thì cũng đừng có sợ.
"Bởi chống tham nhũng không dứt khoát phải có dân chủ, chống tham nhũng là phải có một nền pháp trị nghiêm minh, hay là luật trị, không ai ở trên luật cả. Nhưng mà như chúng ta thảo luận, có các vị lãnh đạo mà được ưu ái, rồi ông Phạm Nhật Vũ được có những đối xử đặc biệt v.v... và v.v...
"Bản thân hệ thống mà không nghiêm thì đừng nói đến chuyện chống tham nhũng. Chống tham nhũng là phải luật phải nghiêm, không ai được ngồi trên luật cả, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là tư pháp phải độc lập. Tư pháp bây giờ không thể độc lập thì đừng nói chuyện đến xử nghiêm minh. Điểm thứ ba là phải có một nền báo chí tự do, để báo chí có thể phanh phui, có thể cất lên tiếng nói và để người dân có thể cất lên tiếng nói.
"Đó là ba điểm quan trọng nhất để có thể giảm tham nhũng và như thế về mặt khung khổ, không cần phải sợ dân chủ.
"Cho nên muốn chống tham nhũng nay không, tôi nghĩ là ông Nguyễn Phú Trọng nếu ông muốn làm được, thì ông thay đổi thể chế theo ít nhất là ba điểm mà tôi vừa nói. Không có ông Trọng, đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể làm được chuyện ấy, nếu mà làm được ba điều như tôi nói.
"Còn nếu không muốn làm điều ấy, tất cả mọi thứ vẫn độc quyền, ĐCSVN vẫn muốn 'ngồi xổm' trên hệ thống, ngồi trên pháp luật, thì không bao giờ có thể chống được tham nhũng cả. Đánh ông (Nguyễn Bắc) Son, ông (Trương Minh) Tuấn, thì sẽ lại sinh ra ông Son, ông Tuấn khác, không thể chống được," nhà hoạt động xã hội dân sự từ Việt Nam nêu quan điểm.
Có dám làm cải tổ?
Từ Cộng hòa Liên Bang Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu bình luận tại chỗ về ý kiến trên, ông nói với Bàn tròn:
"Tôi có quan điểm hơi khác với Tiến sỹ Nguyễn Quang A một chút, tôi cho rằng vấn đề tham nhũng ở đây xuất phát từ bản chất của chế độ.
"Bởi vì với chế độ cộng sản, tư pháp độc lập và báo chí tự do thì lại trái với nguyên tắc của chế độ độc đảng rồi. Cái đó hoàn toàn không có.
"Không bao giờ có thể có tư pháp độc lập, không bao giờ có thể có báo chí tự do ở trong chế độ độc đảng cộng sản cả.
"Cho nên muốn chống tham nhũng thì chắc chắn phải thay đổi thể chế chính trị. Tức là phải có một nền chính trị dân chủ, đa đảng.
"Theo quan điểm của tôi, nếu không có dân chủ, đa đảng, thì không bao giờ có thể chống được tham nhũng.
"Tôi cho rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ có khoảng 40 tuổi, hay 45 tuổi đi nữa, ông có thể làm thêm một nhiệm kỳ, hai nhiệm kỳ hay năm nhiệm kỳ nữa, ông ấy cũng không bao giờ có đủ sức để chống được tham nhũng ở trong một chế độ chính trị của đảng cộng sản hiện nay.
"Cho nên điều mà ông ta nên làm ở trong những năm tháng còn lại của nhiệm kỳ, với quyền lực hiện có, thì ông ta nên học gương của ông Gorbachev, để làm sao có thể thay đổi đất nước Việt Nam, không chỉ đem lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn đem lại đời đời cho thế hệ con cháu.
"Tôi cho rằng đó là quyết định dũng cảm nhất mà ông ấy sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, nếu ông ta dám tiến hành dân chủ hóa Việt Nam trước khi ông ta giã từ sự nghiệp chính trị của mình," ông Nguyễn Văn Đài nói.
Mời quý vị bấm vào đường link sau đây để theo dõi toàn vănBàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt, về các đại án và chống tham nhũng ở Việt Nam được phát trực tuyến trên kênh FB của chúng tôi hôm 05/9/2019.
THEO BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét