Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Ngộ độc thủy ngân, xin đừng quên thảm họa Minamata ở Nhật Bản

Ngộ độc thủy ngân, xin đừng quên thảm họa Minamata ở Nhật Bản

Thủy ngân là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, có ký hiệu Hg, có số nguyên tử là 80, thuộc nhóm kim loại nặng, có ánh bạc và dạng lỏng ở nhiệt độ thường, dễ bay hơi, và không gây cháy, nổ.

Thảm họa chết người ở vùng biển Minamata (Nhật Bản) do bị nhiễm thủy ngân.
Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp – Bác sĩ gia đình tại Melbourne (Australia), thủy ngân có thể thấy trong các nhiệt kế kẹp (kiểu cũ), máy đo huyết áp cột thủy ngân (dành cho nhân viên y tế), bóng đèn huỳnh quang, luyện vàng bạc, vật liệu nha khoa, thuốc dân gian, một số loại mỹ phẩm... Thủy ngân có thể gây chết người và gây nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

Trong lịch sử, vụ Vịnh Minamata (Nhật Bản) là vụ dịch tễ đầu tiên và nổi tiếng nhất (do nhà máy xả có chất thủy ngân, cá ăn vào và người ăn cá có thủy ngân cao). Hay vụ lớn hơn về ngộ độc thủy ngân là đầu thập niên 70 của Iraq khi gần 95.000 tấn gạo được xử lý bằng thuốc chống nấm có methyl thủy ngân. Số gạo này được làm bánh mì cho người ăn và kết quả hơn 6000 người phải nhập viện, hàng trăm người chết.

Thủy ngân có 3 dạng chính:

a. Dạng căn bản thủy ngân (elemental). 

b. Dạng muối vô cơ thủy ngân 

c. Dạng phức hợp hữu cơ (trong đó dạng methyl thủy ngân, có lẽ là dạng chết người nhất).

Việc phân loại 3 dạng này sẽ có thể giúp chúng ta nhận định sự nguy hiểm và dự đoán khác nhau trong các sự cố về môi trường.

Theo phân tích của bác sĩ Hiệp thì thủy ngân thả ra môi trường, vào hệ sinh thái và ta ăn rau hay cá có chất thủy ngân – thường sẽ là dạng c (methyl thủy ngân). Còn nếu chúng ta tiếp xúc với chất thủy ngân căn bản (elemental) thì thường là ở dạng lỏng hay dạng khí (như trong trường hợp bị bể hay rò rỉ hay do đốt nóng) thì cơ chế và biểu hiện cũng có những điểm khác với dạng phức bộ thủy ngân hữu cơ (như vụ Minamata).

Loại thủy ngân ta hít vào này (Elemental) 80% được hấp thụ và dễ dàng qua được các phế nang để vào máu và các tế bào hồng huyết cầu. Khi đó hầu hết sẽ chuyển thành dạng thủy ngân vô cơ (kém hòa tan trong mỡ, thấm hạn chế với hang rào máu-não và đào thải qua phân). Một lượng nhỏ thủy ngân cơ bản này không bị oxy hóa tiếp tục ở lại và gây độc hệ thần kinh trung ương như đau đầu, mệt mỏi, sốt, lạnh run, chóng mặt,rối loạn thị lực, mất ngủ, run tay, trạng thái bất an, yếu cơ...

Bác sĩ Hiệp cho rằng khi hít phải một lượng lớn thủy ngân có thể gây phản ứng viêm ở phổi do hóa chất. Có thể biểu hiện: khó thở, đau ngực, ho khan. Nếu không tiến triển tốt thì có thể dẫn đến tràn dịch trong phổi, suy hô hấp. Nếu quá nặng có thể gây tử vong. 

Độc tính cấp tính qua thận có thể gây suy thận, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, xuất tinh đau. 

Bệnh nhân có thể cảm thấy vị (nếm) kim loại, tiết nước bọt nhiều, nuốt đau, đau bụng, tiêu chảy.

Việc da người tiếp xúc với lượng hơi/lỏng thủy ngân có thể gây viêm da nhưng thường không đủ để gây độc toàn thân.

Bác sĩ Hiệp cho biết để xác định mình có bị nhiễm độc Thủy Ngân hay không, người dân cần bình tĩnh, có thể xác định các yếu tố nguy cơ nhiễm độc thủy nhân như cự ly và thời gian tiếp xúc.

Có thể làm các xét nghiệm như thử máu, thử nước tiểu cho thủy ngân, đếm máu tổng quát, chức năng thận và chất điện giải, có thể thêm Xquang, CT bụng/phổi .. hay một số xét nghiệm khác tùy theo sự biểu hiện bệnh, phán đoán của thầy thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ Hiệp cho rằng không phải ai nghi ngờ cũng làm các xét nghiệm như vậy vì tốn kém, không cần thiết và có thể làm hoang mang, hay chịu tác dụng phụ của các xét nghiệm này.

Về điều trị cho người ngộ độc thủy ngân, trường hợp người bị nặng thì có thể phải điều trị hồi sức cấp cứu, tùy bệnh cảnh như thở máy, trợ hô hấp, truyền dịch hay lọc thận. Bác sĩ Hiệp khuyến cáo người dân nếu có lo lắng thì nên gặp bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông trình bày trong văn bản báo cáo đã thay thế kim loại thủy ngân bằng Amalgam. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA thì Amalgam cũng là chất liệu được tạo ra từ Thủy Ngân, đó là hỗn hợp của kim loại Thủy Ngân và kim loại khác trong đó Thủy Ngân là thành phần chính. 
Kết quả kiểm tra vào chiều 31/8, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội cho biết trong các mẫu đất lấy tại 5 vị trí xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, nồng độ thủy ngân đều bằng 0. Ở nơi cất giữ hóa chất amalgam (hợp kim của thủy ngân với các kim loại khác), các tủ chưa bị cháy.
Advertisement
Tuy nhiên, riêng thông số SO2 (lưu huỳnh điôxit) tại cổng Công ty Động Lực giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình là 357 microgram/m3 (vượt 1,02 lần cho phép); điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy là 352 microgram/m3 (vượt 1,0057 lần so với cho phép); các vị trí còn lại có kết quả nằm trong giới hạn cho phép.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng: "Việc khuyến cáo các biện pháp phòng vệ sức khỏe phải trên cơ sở khoa học. Trước mắt người dân nên đeo khẩu trang, súc miệng và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, các biện pháp khác cần chờ hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn sau khi có kết quả xét nghiệm".
TIN LIÊN QUAN
K.C

Không có nhận xét nào: