Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Cựu đại biểu quốc hội kiện nguyên thủ tướng VN vì mục đích gì?

Cựu đại biểu quốc hội kiện nguyên thủ tướng VN vì mục đích gì?


Khởi động vụ kiện
Khởi đầu là trang báo mạng PRNewswire đăng bài vào ngày 6/9/2019 cho biết nhà kinh tế Mỹ và Chủ tịch Tan Tao Energy Corporation (Công ty năng lượng Tân Tạo – TEC) là tiến sĩ Maya Dangelas (tên Mỹ của bà Đặng Thị Hoàng Yến) đã khởi sự các thủ tục tố tụng chống lại cựu thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Lý do vì ông Dũng đã ra lệnh xóa dự án vi phạm trực tiếp thỏa thuận đầu tư giữa TEC và chính phủ VN khiến TEC thiệt hại lợi nhuận hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ .
Theo PRNewswire, đại diện cho các nguyên đơn trong tố tụng quốc tế này gồm Charles H.Camp (Washington D.C); Dr.Jalal El Ahdab (Paris); Anthony Buzbee (Houston); Chris Leavitt (Houston) và Minh-Tam (Tammy) Tran (Houston).
RFA đã liên lạc email với hãng Luật Buzbee vào chiều 10/9 và được Tony Buzbee, cho biết hãng luật không gặp bất cứ khó khăn nào trong vụ việc này. Đồng thời cho biết những biện hộ cho vụ kiện này đều nằm trong Thông báo Trọng tài. Hai ngày sau khi PRNewswire đăng bài thì báo mạng Global Arbitration Review cũng đã có bài đăng tải về vụ kiện trên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Mạnh Dũng –Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời trên Báo Đất Việt rằng, theo pháp luật quốc tế nói chung, nhà đầu tư không được quyền kiện một quốc gia. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đã ký các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với nước ngoài, trong đó từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc, một khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện Chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế.
Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho RFA biết xung quanh bài báo đăng về vụ kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên PRNewswire, ông cho rằng,
Thật ra anh không có tài liệu trên tay nên không có ý kiến đích xác được, nhưng anh nghỉ chủ trương ngưng dự án của bà Yến bắt đầu từ chỗ ông Dũng, từ chủ trương đó đến đời sau là người thừa hành làm cho xong nên bà Yến chọn ông Dũng khởi kiện nằm trong lý do đó”
Luật sư Mạnh cũng nhắc đến vụ kiện của việt kiều Trịnh Vĩnh Bình nhắm đến chính phủ Việt Nam và cho biết:
“Câu chuyện thú vị ở chỗ là không phải các quan chức sau khi đã nghỉ hưu có thể thoát được trách nhiệm, trong thâm tâm tôi mong bà Yến có thể thắng vụ kiện này, vì cái đó giúp lãnh đạo đương thời ý thức được trách nhiệm của mình trong khi đang làm việc, không chỉ nghĩ là về hưu là có thể hạ cánh an toàn được”.
Nhận định về các bài báo về vụ kiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến đăng trên PRNewswire và Global Arbitration Review, Luật sư Trần Thanh thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cũng có ý kiến trên Báo Đất Việt. Ông giả dụ rằng: “Trong trường hợp dự án Nhiệt điện Kiên Lương là vốn hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước đầu tư, do đó việc chọn một tòa trọng tài quốc tế để xử lý các tranh chấp, cá nhân tôi cảm giác có gì đó không ổn ở chỗ dường như bị đơn ở đây nhắm tới cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng; nếu Tòa tuyên ông Dũng sai thì khả năng thi hành án như thế nào?”.
Dự đoán vụ kiện
Theo như vậy, điều gì sẽ xảy ra khi ngày 17/12/2018, Việt Nam đã trúng cử thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025 trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York, Mỹ.
Luật sư Lê Công Định phân tích rất kỹ về vấn đề nêu trên với RFA trong ngày 11/9:
“Việc Việt Nam trúng cử UNCITRAL hoàn toàn không liên quan vấn đề này bởi vì khi VN trở thành thành viên trong ủy ban này họ cùng tham gia soạn thảo luật và các quy tắc trọng tài quốc tế của LHQ đó chỉ là nền tảng mà tất cả các bên có khiếu kiện trọng tài muốn sử dụng quy tắc trọng tài.  Nên hoàn toàn không liên quan đến việc kiện tụng cũng như thi hành án với bất kỳ quốc gia nào trong đó có Việt Nam”
Luật sư Định cho rằng do chưa đọc cụ thể đơn khởi kiện cũng như chưa xem được thông báo trọng tài, nhưng theo những gì báo chí quốc tế tường thuật và dẫn lời luật sư của nguyên đơn thì ông cũng biết được vụ kiện nhắm vào cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình trong vấn đề trọng tài quốc tế, Luật sư Lê Công Định phân tích tiếp những hiểu biết của ông xung quanh vụ kiện này với RFA.
Trên thế giới khi nói đến trọng tài thường có hai loại trọng tài, đó là trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư. Trong đó, trọng tài thương mại đòi hỏi chỉ có thể sử dụng đến biện pháp kiện trọng tài nếu hai bên công ty hoặc 2 cá nhân hoặc giữa công ty và cá nhân làm ăn với nhau họ có một thỏa thuận nếu tranh chấp xảy ra thì đưa ra giải quyết trọng tài nào theo thủ tục nào, thì trong trường hợp này chúng ta loại trừ lý do đó vì giữa công ty bà Yến trước đây cũng như  ông Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng hai bên không phải là hai pháp nhân thương mại hoặc hai cá nhân thương mại hoặc giữa pháp nhân và cá nhân  có giao dịch thương mại với nhau có thỏa thuận cùng đưa ra trọng tài xét xử nếu xảy ra tranh chấp do đó trong trường hợp này chúng ta không xét đó là vấn đề trọng tài thương mại.
Thứ hai là trọng tài đầu tư: thường giữa những quốc gia với nhau họ ký hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư ví dụ giữa VN và Hoa Kỳ, giữa VN và bất kỳ quốc gia nào Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan thì hiệp định thương mại quy định nếu nhà đầu tư dù là cá nhân hay doanh nghiệp đầu tư qua một nước khác thì nếu xảy ra bất kỳ điều gì bất lợi hoặc đối xử bất bình đẳng đối với nhà đầu tư gây thiệt hại cho họ thì họ có quyền kiện quốc gia nơi họ đầu tư ra cơ quan trọng tài được xác định trong  hiệp định bảo hộ đầu tư theo thủ tục trọng tài nhất định ví dụ như thủ tục bà Yến kiện ông Nguyễn Tấn Dũng UNCITRAL thì trong trường hợp này bị đơn bắt buộc phải là chính phủ của quốc gia nơi nhà đầu tư đã hoặc đang thực hiện đầu tư như vậy không có chuyện kiện cá nhân hay quan chức dù đã từ nhiệm hay đang đương nhiệm trong thủ tục trọng tài về đầu tư, do đó tôi thấy vụ kiện này nói về mặt kỹ thuật rất lạ lùng đối với những người chuyên môn trong giới trọng tài quốc tế do đó nếu đưa ra tiên đoán (dựa trên sự phân loai về trọng tài thương mại và đầu tư như vừa nói) thì tôi thấy vụ kiện này chắc chắn đi vào ngõ cụt ở chỗ vì chắc chắn Hội đồng trọng tài sẽ tuyên là họ vô thẩm quyền bởi vì bị đơn xác định không chính xác
Luật sư Lê Công Định phân tích tiếp, nói một cách chính xác bị đơn là chính phủ VN thì dù Chính phủ Việt Nam dưới quyền điều khiển của ông Dũng hay ông Nguyễn Xuân Phúc thì xác định bị đơn là chính phủ VN  chính xác hơn. Xác định bị đơn là ông Nguyễn Tấn Dũng là không chính xác. Tuy nhiên, xét về khía cạnh khác không thuần về pháp lý mà Luật sư Định tạm gọi là Chính trị pháp lý, tức là các luật sư của bên nguyên đơn họ không phải là không hiểu vấn đề này nhưng tại sao họ lại tư vấn bà Yến khởi kiện cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng trong tư cách vừa là chính thức và là cá nhân trong việc chấm dứt dự án đầu tư nhiệt điện của bà Yến.
Luật sư Lê Công Định đặt vấn đề, tại sao phía luật sư của bà Yến lại lựa chọn điều đó?. Vì theo ông, nếu hiểu được trình tự trong trọng tài quốc tế, thì phải biết rằng, để cho đến khi Hội đồng trọng tài tuyên vô thẩm quyền trong vụ kiện này thì điều đó phải còn hơn 1 năm và có thể 2 năm nữa mới có thể tuyên. Và trong thời gian đó, Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục thụ lý vụ kiện, vẫn tiếp tục yêu cầu các bên nộp án phí trọng tài, tiếp tục  yêu cầu các bên giải trình cung cấp tài liệu pháp lý liên quan đến vụ kiện này và điều quan trọng là bên nguyên đơn chắc chắn lợi dụng thủ tục trọng tài vẫn đang tiến hành ít nhất trong 1 năm tới để đưa vụ việc này ra truyền thông và mục đích không phải là dùng biện pháp pháp lý bắt ông Nguyễn Tấn Dũng  đền số tiền lên 2,5 tỉ đô là cái chính là họ dùng vụ kiện này cho mục đích truyền thông có tính chất chính trị và gây áp lực lớn cho cá nhân gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng cũng như cho Chính Phủ VN; buộc họ phải giải trình, cung cấp nhiều hồ sơ liên quan đến vụ kiện này cho hội đồng trọng tài.
Theo thông tin tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 (diễn ra hôm 28/6/2019) của Công ty CP đầu tư công nghiệp Tân Tạo thì người nhận ủy quyền là ông Đặng Thành Tâm, thông báo bà Đặng Thị Hoàng Yến có kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư tại nhiều dự án, bao gồm cả dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương được Chính phủ VN giao cho TEC nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Đến năm 2014 để tháo gỡ vướng mắc cho dự án về việc cấp bảo lãnh của Chính phủ, TEC đã chấp nhận chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT để dự án sớm được triển khai. Vào tháng 12/2015, TEC đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án với Tổng cục năng lương và thống nhất ngày vận hành thương mại vào năm 2025.
Tuy nhiên đến 29/1/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định rà soát loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh). Chính quyết định loại bỏ dự án ra khỏi Quy hoạch điện 7 là nguyên nhân khiến dự án không triển khai được (theo báo cáo của TEC). Việc nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la cho dự án này hay chưa vẫn còn mơ hồ vì khi loại bỏ dự án ra khỏi Quy hoạch điện 7, dự án chỉ nằm trên ý tưởng và mới có Biên bản ghi nhớ -MOU (theo một số chuyên gia phân tích).
Theo RFA

Không có nhận xét nào: